HO GÀ - NHỮNG ĐIỀU BA MẸ CẦN LƯU Ý ĐỂ PHÒNG TRÁNH CHO TRẺ

Admin | 17/10/2024 17:09

 

Ho gà ở trẻ em chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, chiếm 90% tổng số ca bệnh. Ho gà ở trẻ em kéo dài với những cơn ho thường xuyên không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ mà còn cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Ở trẻ dưới 6 tuổi, chưa tiêm phòng vaccine bệnh thường có diễn tiến nặng, nguy cơ xuất hiện biến chứng và tử vong cao. Do đó, trẻ cần được tiêm phòng vaccine ngừa bệnh ho gà sớm, theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

1. Nguyên nhân ho gà ở trẻ em 

  • Ho gà là một bệnh truyền nhiễm gây ra do vi khuẩn ho gà tên khoa học là Bordetella pertussis. 

  • Đường lây bệnh: Chủ yếu qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt khi nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp của người mắc bệnh. 

  • Đối tượng có nguy cơ bị mắc ho gà: Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có hơn 90% số ca mắc là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng. 

2. Triệu chứng ho gà ở trẻ em 

Bệnh ho gà ở trẻ tiến triển qua các giai đoạn: 

  • Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 6-20 ngày: Thời kỳ này thường không có triệu chứng 

  • Giai đoạn viêm đường hô hấp: Kéo dài khoảng 1-2 tuần, các triệu chứng xuất hiện giống như các bệnh viêm đường hô hấp trên bao gồm sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho húng hắng , hắt hơi cuối giai đoạn này ho nặng thành cơn 

  • Giai đoạn khởi phát: Kéo dài từ 1-6 tuần, có trường hợp đặc biệt có thể kéo dài trên 10 tuần với biểu hiện cơn ho điển hình như: 

+ Ho: Trẻ ho rũ rượi, thành từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ở trẻ những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi. 

+ Thở rít: Xuất hiện cuối mỗi cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, tiếng rít nghe như tiếng gà. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể không thấy tiếng rít trong cơn ho. 

+ Kết thúc cơn ho bằng việc khạc đờm trắng, màu trong, dính. Trong đờm có vi khuẩn ho gà cũng là một nguồn lây bệnh. 

+ Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn này tần suất các cơn ho khoảng 15 cơn/ngày. Sau đó giảm dần có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị. 

+ Sau mỗi cơn ho trẻ mệt, có thể nôn, thở nhanh. Có thể kèm theo các triệu chứng sau: Sốt nhẹ, mặt và mí mắt nặng. 

  • Giai đoạn phục hồi: Cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt. Tuy nhiên sau đó nhiều tháng ho có thể tái lại gây viêm phổi. 

3. Biến chứng của bệnh ho gà 

  • Viêm phế quản, viêm phổi, suy hô hấp, viêm tai giữa, thiếu oxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc 

  • Các biến chứng thần kinh do tình trạng thiếu oxy đến não: co giật, liệt nửa người, liệt chi và mất ngôn ngữ do xuất huyết hoặc xung huyết não, dẫn đến các tổn thương não nghiêm trọng và để lại di chứng về sau. 

  • Rối loạn tiêu hóa: Một số trẻ bị ho gà có thể mắc các rối loạn tiêu hóa như nôn, ói và tiêu chảy, làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng và dẫn đến suy dinh dưỡng.  

  • Tử vong: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, ho gà có thể dẫn đến tử vong ở trẻ với hệ thống miễn dịch còn yếu và không đủ khả năng chống lại vi khuẩn. 

Phòng bệnh ho gà 

  • Tiêm phòng vaccine đầy đủ theo lịch tiêm chủng là một phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm phòng ho gà cùng chung trong mũi tiêm 5 trong 1 gồm: bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib (DPT-VGB-Hib). Được thực hiện tiêm đầy đủ 3 lần. 

  • Duy trì vệ sinh cá nhân: Cần giáo dục trẻ em thật tốt về thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng 

  • Giữ khoảng cách: Khi có người bị ho gà trong gia đình, cố gắng giữ khoảng cách giữa trẻ và người bị nhiễm bệnh, tránh cho trẻ tiếp xúc với người đó. 

  • Hạn chế việc đưa trẻ đến nơi đông người: Khi trẻ chưa tiêm đủ liều vắc-xin ho gà, hãy hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao. 

  • Tăng cường miễn dịch: Chế độ dinh dưỡng cân đối và khoa học giúp trẻ phát triển tốt hệ miễn dịch tự nhiên, từ đó giúp trẻ phòng ngừa ho gà hiệu quả hơn. Bổ sung đầy đủ protein, vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. 

  • Duy trì độ ẩm thích hợp và thông gió không gian sống: Tránh để không khí căn phòng ẩm thấp và ô nhiễm, hút ẩm và thông gió thường xuyên giúp giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. 

  • Thăm khám bác sĩ định kỳ: Nhằm kiểm tra sức khỏe của trẻ và sớm phát hiện những biểu hiện bất thường cảnh báo cho một bệnh lý bất kỳ, từ đó chủ động đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. 

Nếu bạn gặp bất cứ tình trạng nào về sức khỏe và cần được tư vấn, hãy liện hệ với đội ngũ Dược sĩ của chúng tôi - Hệ thống nhà thuốc CareAce luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách trong việc cung cấp thuốc và tư vấn sức khỏe. 

------------------  

HỆ THỐNG NHÀ THUỐC CAREACE - Miễn phí tư vấn trực tuyến và giao thuốc tận nhà!   

CS1: Tầng 1, Lô 07, Toà nhà A3, Chung cư An Bình City, Bắc Từ Liêm, Hà Nội - Hotline: 0333 941 115.  

CS2: Gian Hàng Kinh Doanh số 108, Tầng 1, Nhà Chung cư số G3, Vinhomes Green Bay, Nam Từ Liêm, Hà Nội - Hotline: 0334 201 488.  

CS3: Gian Hàng Kinh Doanh số 0121, Tầng 1, Toà CT2B, Chung cư Hà Nội Homeland, Long Biên, Hà Nội - Hotline: 0357 381 486.  

CS4: Kiot 07, Dự án TSG Lotus Sài Đồng,  quận Long Biên, Hà Nội - Hotline: 0356 419 345.